Mức độ độc hại của 2 chất dư thừa trong siro ho liên quan 66 ca không qua khỏi

Các mẫu siro thử nghiệm chứa diethylene glycol hoặc ethylene glycol có thể gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, tổn thương thận…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về 4 loại siro trị sốt, cảm lạnh và ho do một công ty Ấn Độ sản xuất sau cái chết của 66 trẻ em ở Gambia.

“Phân tích trong phòng thí nghiệm xác nhận, các sản phẩm chứa một lượng diethylene glycol và ethylene glycol gây độc không thể chấp nhận được. Cho đến nay, 4 sản phẩm này đã được ghi nhận xuất hiện ở Gambia, nhưng có thể đã được phân phối, thông qua các kênh không chính thức, đến các quốc gia hoặc khu vực khác”, WHO cho biết.

Các mẫu thử nghiệm chứa diethylene glycol hoặc ethylene glycol có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bí tiểu, thay đổi trạng thái tinh thần và tổn thương thận cấp tính.

Theo Reuters, diethylene glycol và ethylene glycol được sử dụng trong chất chống đông, hút ẩm và các ứng dụng công nghiệp khác nhưng cũng là chất thay thế rẻ hơn trong một số sản phẩm dược phẩm, gồm cả glycerine trong nhiều loại siro ho.

Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn được đề cập trong cảnh báo này không an toàn và việc sử dụng chúng, đặc biệt ở trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.

Trước vụ việc trên, tờ Indian Express đưa ra câu hỏi với các chuyên gia: Siro ho nói chung có an toàn cho trẻ em không?

Bốn loại thuốc ho của Ấn Độ mà WHO cảnh báo không sử dụng. Ảnh: Outlookindia

Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng siro ho 

Theo Tiến sĩ Meena Jayaram, bác sĩ nhi khoa của Aakash Healthcare (Ấn Độ), không nên cho trẻ em uống siro ho, đặc biệt là thuốc không kê đơn và nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Loại dược phẩm này có thể gây các phản ứng phụ nghiêm trọng, đã có trẻ phải nhập viện do các biến chứng vì siro ho.

Tiến sĩ Ranjeet Ghuliani, Bệnh viện Sharda, giải thích, hầu hết các loại siro ho có từ 3 đến 4 chất hóa học khác nhau. “Trong đó có chất kháng histamine và chống ho với tác dụng ngăn chặn cơn ho ở phần trung tâm của não. Hầu hết các loại thuốc này không thích hợp cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trên thực tế, một số loại siro trị ho phổ biến nhất mà bạn thấy đều có nhãn cảnh báo không dành cho trẻ dưới 2 tuổi”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nên tránh dùng các loại siro ho vì nguy cơ gây tác dụng phụ cho trẻ. “Có những tác dụng phụ nhẹ như buồn ngủ quá mức, bồn chồn, lượng đường thấp, mất cân bằng điện giải. Tuy nhiên, cũng có những tác dụng phụ nghiêm trọng dẫn đến co giật, tổn thương thận”, Tiến sĩ Jayaram nói.

Tiến sĩ Ghuliani cho biết thêm, cho một đứa trẻ sơ sinh chưa có khả năng giao tiếp uống siro có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Siro ho có an toàn cho trẻ trên 2 tuổi? 

Các chuyên gia cho biết, cha mẹ cũng cần thận trọng khi cho trẻ lớn hơn 2 tuổi dùng siro. “Siro an toàn hơn với trẻ trên 2 tuổi nếu sử dụng đúng liều lượng. Nhưng mọi chuyện cũng phụ thuộc vào công thức của siro”, Tiến sĩ Ghuliani nói.

Dù vậy, ngay cả người lớn cũng có thể gặp tác dụng phụ. Tiến sĩ Jayaram giải thích: “Siro ho không kê đơn được phát hiện có thể gây nghiện do có chất kháng histamine. Một số loại còn có thành phần opioid có khả năng gây chóng mặt, ức chế hoặc buồn ngủ. Nếu ho và cảm lạnh không quá nặng, ngay cả người lớn cũng không nên dùng siro”.

Điều nên làm 

Cảm lạnh và ho là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Vì vậy, đâu là sự thay thế an toàn hơn cho các loại siro ho thường dùng? “Các cách làm tại nhà có thể giúp ích ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như nhấp một ngụm nước ấm và các chất lỏng ấm khác như trà, nước mật ong gừng. Một số phương pháp khác là hít hơi nước, súc miệng nước muối”, Tiến sĩ Pradeep Aggarwal nói.

Bác sĩ Jayaram cảnh báo không nên cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có đơn của bác sĩ nhi khoa: “Nếu các ca bệnh nhiễm virus không kèm theo sốt hoặc ho nặng có thể dùng thuốc xịt mũi để giữ cho mũi sạch sẽ, tránh ngạt mũi”. Bác sĩ có thể kê paracetamol để giảm các triệu chứng do cảm và ho.

Cần lưu ý, khi ho, trẻ đang tống khứ chất bài tiết quá mức được tạo ra trong cơ thể khi bị nhiễm trùng. “Bạn phải nhớ rằng đó là một phản xạ bảo vệ tốt. Vì vậy, không nhất thiết phải trấn áp cơn ho”, Tiến sĩ Ghuliani bổ sung.

Xem nhiều